Sự biến đổi của kiến trúc đình làng

 
1. Mặt bằng kiến trúc
Một tòa chữ nhất (-) gồm 3 gian, 2 chái nằm ngang, khoảng sân rộng phía trước, là mô hình ban đầu của kiến trúc đình làng mà còn thấy dấu tích ở một số đình như Tây Đằng, Thụy Phiêu, Lỗ Hạnh thế kỷ XVI (các thành phần kiến trúc khác được bổ sung về sau). Từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX, mô hình này được phát triển liên tục với nhiều kiến trúc khác nối với tòa đại đình hoặc liền kề như: thế kỷ XVII, phần chuôi vồ (hậu cung) được thêm vào phía sau gian giữa như đình Bảng Môn (Thanh Hóa), đình Hữu Bằng (Hà Nội), phát triển thành đình chữ đinh. Từ thế kỷ XVIII, các thành phần của mặt bằng đình thay đổi nhiều, như mở rộng tòa đại đình thành chữ chữ công, dựng thêm tiền tế, phương đình phía trước, thêm nhà giải vũ hai bên phía trước, xây trụ biểu, nghi môn...
Việc phát triển hệ thống kiến trúc trong mặt bằng tổng thể xuất phát từ nhu cầu, chức năng của làng trong việc hội họp, tế lễ, nhưng không thể tránh khỏi sự ganh đua giữa các làng với nhau kiểu “con gà tức nhau tiếng gáy”, rồi trở thành phong trào xây mới, mở rộng...
2. Kết cấu kiến trúc
Đình làng thường có kiến trúc 3 gian 2 chái, ngoại trừ có một số ngôi đình có kết cấu 5 gian 2 chái, 7 gian 2 chái…
-Hệ thống kết cấu cột: kiến trúc cổ nhất là một vì kèo gồm 4 hàng cột như đình Tây Đằng, đình Lỗ Hạnh. Từ thời Trần kiến trúc gỗ có kết cấu dạng 4 hàng cột, còn thấy ở chùa Thái Lạc (Hưng Yên) sang thời Mạc có chùa Bối Khê, chùa Dương Liễu (Hà Tây cũ). Từ thế kỷ XVII trở đi, nhiều ngôi đình có dạng 6 hàng cột. Dạng kết cấu 6 hàng cột xuất phát từ nhu cầu mở rộng không gian kiến trúc, từ việc phát triển thêm hệ thống cột mà kết cấu bộ vì cũng phát triển theo.
Về sau, khoảng cuối thế kỷ XVIII sang thế kỷ XIX một số ngôi đình làng có sự kết hợp, đan cài hệ thống cột theo cách riêng dựa trên diện tích và công năng của mỗi làng. Ở đình Chèm (còn gọi là đền Chèm, thuộc huyện Từ Liêm, Hà Nội) có 3 tòa liền nhau tưởng như tách rời, nhưng hệ thống cột lại được giản lược và được liên kết với nhau bằng các xà nách với cột quân và cột hiên.
Kết cấu khung kiến trúc: Vì là hệ thống kiến trúc chịu lực, gồm vì nóc ở giữa đặt trên câu đầu/quá giang đặt trên cột cái. Trong lịch sử phát triển của kiến trúc đình làng, phần vì nóc có sự biến đổi rõ nét. Thế kỷ XVI, có sự tiếp nối kiến trúc của thế kỷ XIV là kết cấu giá chiêng, rường bụng lợn, sang đầu thế kỷ XVII kết cấu giá chiêng, rường bụng lợn đã có sự biến đổi về hình thức và trang trí, tới giữa thế kỷ XVII tới cuối thế kỷ XVIII phần vì nóc dường như người ta ít quan tâm và kết cấu của nó cũng giản lược, sang kết cấu giá chiêng có khoảng hở ở giữa, rồi kết cấu chồng rường, tới đầu thế kỷ XIX xuất hiện thêm vì nóc có kết cấu ván mê, hoặc giả thủ ảnh hưởng của kiến trúc Huế. Phần trang trí của vì này cũng thay đổi rất nhiều.
Tiếp đó, là cốn/kẻ liên kết bởi xà nách (một đầu ăn mộng vào cột cái đầu kia đặt trên cột hiên/cột quân), xà nách đỡ toàn bộ các thanh rường tạo thành cốn, trong trường hợp kẻ suốt thì kẻ suốt một đầu ăn mộng với cột cái, thân kẻ chạy suốt qua cột quân và cột hiên, đuôi kẻ kéo dài ra tận bờ mái đỡ tàu mái và lá mái. Với hệ thống 6 hàng cột thì ngoài cốn (giữa cột cái và cột quân) còn có thanh kẻ liên kết cột quân với cột hiên, thân kẻ phần trên đỡ ván dong để làm phần chịu lực cho các thanh hoành của mái, đầu kẻ là các nghé kẻ ăn mộng xuyên lên qua cột quân nằm dưới bụng xà nách, đuôi kẻ chạy xuống đỡ thanh tàu và mép mái.
Đối với các kiến trúc sớm như đình Tây Đằng chưa xuất hiện kẻ trong kết cấu vì mà chỉ có kẻ góc đỡ tầu mái mà thôi. Cho nên hệ thống cột hiên cũng chưa có, mà đỡ mép mái là thanh bẩy gắn với cột quân. Sau này người ta gia cố thêm các cột nhỏ chịu lực chống đầu bẩy gọi là cột bẩy. Qua đó, chúng ta thấy đình Lỗ Hạnh (Bắc Giang) không còn giữ được nguyên vẹn kết cấu của kiến trúc thế kỷ XVI, hiện nay đã bị thay đổi nhiều, như mở rộng mặt bằng với hệ thống kẻ, các bước cột đã rộng hơn so với đình Tây Đằng, rồi muộn hơn đã dựng thêm hậu cung phía sau đình…
Hệ thống vì chịu lực của đình làng trong suốt bốn thế kỷ từ XVI đến XIX đều được chú ý chạm khắc trang trí, đặc biệt là hệ thống cốn và kẻ, ván/ lá gió…
Ngoài hệ thống vì là hệ thống dằng, tức các xà ngang liên kết các vì với nhau để tạo nên bộ khung vững chắc cho tổng thể ngôi đình. Hệ thống dằng này không có chức năng chịu lực, nó chỉ có tư cách định vị hệ thống vì và cột, tránh dịch chuyển ảnh hưởng đến kết cấu kiến trúc đình. Hệ thống dằng gồm các xà thượng, xà hạ (xà đai).
Ngay kết cấu của rầm sàn đình nằm ở dưới phần chân cột cũng làm chức năng liên kết trong kiến trúc giữ ổn định phần dưới của khung kiến trúc, khiến các chân cột không bị dịch chuyển.
 
(Trích chuyên đề nghiên cứu của Nguyễn Đức Bình "Hình ảnh con người trong trang trí kiến trúc đình làng Bắc Bộ Việt Nam, 2012")
Đăng ký tư vấn
Gửi thông tin của bạn để được tư vấn sớm nhất
Để lại bình luận

0 Bình luận

Hãy để lại bình luận của bạn tại đây!

Thông tin bình luận

Thành công
Lỗi hệ thống, vui lòng thử lại!