Hình tượng Hổ trong Đình làng Việt -Phần 01

Ngay từ những buổi đầu hình thành nên ngôi đình làng, hình tượng hổ đã được nghệ nhân xưa chạm khắc trên hệ khung kiến trúc như hổ ở đình Tây Đằng, thế kỷ XVI. Trải dài hơn bốn thế kỷ, hình tượng hổ luôn hiện diện trong đình làng cùng với các linh thú khác như rồng, phượng, nghê… Hình hổ được chạm khắc ở nhiều vị trí khác nhau trên kiến trúc như trên lá đề của vì nóc, trên những thanh rường của vì nách, trên kẻ, trên ván dong, trên đầu bẩy, trên ván gió.

 

Trong cuộc sống xưa, hổ có thể là nỗi sợ của những người lên rừng, những người làm rẫy, là nỗi ám ảnh của bản làng mỗi khi hổ vào thôn xóm bắt gia súc, đe dọa tính mạng của con người… Từ sự khiếp sợ hổ, người dân luôn có ước muốn chinh phục hổ như chinh phục được muôn loài của tự nhiên. Vì thế rất nhiều đình làng chạm hình tượng hổ khá hiền lành như đã bị thuần phục như hổ đình Cam Đà, hổ đình Nghiêm Xá, hổ đình Xuân Dục... Trong các cảnh hổ và người cùng xuất hiện, con hổ thường bị chế ngự bởi con người như mảng chạm săn hổ ở đình Tây Đằng, đánh hổ ở đình Chảy, bắn hổ ở đình Hạ Hiệp, thuần phục hổ ở đình Phú Diễn, bắt hổ ở đình Hương Canh, cưỡi hổ ở đình Cao Thượng …

 

 
Tuy nhiên trong tín ngưỡng dân gian, hổ vẫn là một linh vật linh thiêng được tôn kính vì sự dũng mãnh, oai phong và được ví như ông Ba Mươi... Vì vậy trong đình làng vẫn xuất hiện những mảng chạm khắc hổ mang tính uy nghiêm, oai phong lẫm liệt như hổ ở đình Trùng Hạ, đình Phú Xuyên…
 
Không chỉ thế, hổ trở thành linh thú khi được linh hóa thành con vật cưỡi của các vị thần như hổ ở đình Phương Châu, đình Kim Hoàng, đình Dương Xá, đình Cổ Mễ, đình Chu Quyến…

Với người dân, con hổ không còn xa lạ với họ, họ hiểu được đặc tính của hổ, sợ hổ, nể hổ và cũng yêu hổ. Vì những lẽ đó mà mấy trăm năm nay hổ trở thành hình tượng chạm khắc phổ biến trong các ngôi đình làng. Hình tượng hổ không chỉ chứa đựng nhiều ý nghĩa mà về mặt tạo hình đã góp phần làm phong phú cho kho tàng mỹ thuật cổ của người Việt.

 

 

 

 

 

 

 

 

 Bài và ảnh: KTS Hiếu Trần

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Đăng ký tư vấn
Gửi thông tin của bạn để được tư vấn sớm nhất
Để lại bình luận

0 Bình luận

Hãy để lại bình luận của bạn tại đây!

Thông tin bình luận

Thành công
Lỗi hệ thống, vui lòng thử lại!