Đình làng Bắc Bộ từ lâu đã trở thành một hình ảnh gắn bó sâu sắc với không gian mỗi làng quê Việt Nam. Không chỉ đẹp về hình khối kiến trúc, đình làng còn là nơi tích hợp những biểu tượng văn hóa mang đặc trưng vùng nông nghiệp lúa nước. Dấu ấn văn hóa của vùng sông nước cùng với hình ảnh con thuyền từ lâu đã ngấm vào văn hóa của người Việt Bắc Bộ từ lời ăn, tiếng nói, nếp tư duy, ứng xử cũng như tục ngữ, ca dao tới những biểu hiện sinh động trong kết cấu, các thành phần kiến trúc, nghệ thuật chạm khắc và cả những sinh hoạt văn hóa đình làng lại là một sáng tạo riêng trong nghệ thuật kiến trúc Bắc Bộ Việt Nam. Yếu tố sông nước, con thuyền trong đời sống văn hóa, nghệ thuật của người Việt Nói đến đặc trưng không gian văn hóa của người Việt, điểm nổi bật được nhiều nghiên cứu nhấn mạnh chính là vai trò của sông nước do đặc điểm lãnh thổ tạo nên. Với đặc điểm bờ biển dài, chạy dọc phía đông đất nước cùng với hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, có thể nói yếu tố nước có một vai trò quan trọng trong mọi mặt đời sống của người Việt, hình thành sắc thái đa dạng của văn hóa vật chất lẫn tinh thần nơi đây. Với Bắc Bộ, một vùng đất thấp, mưa nhiều, nguồn sống chính dựa vào nông nghiệp lúa nước, chi phối hoạt động sống của con người, định hình nên đặc điểm sống, sinh hoạt, tư duy, tín ngưỡng văn hóa riêng của người Việt. Sống trong môi trường sông nước đã định hình cho người Việt cổ một phương tiện đi lại thuận tiện, thích ứng với môi trường, đó là giao thông đường thủy. Các nhà khảo cổ đã khai quật được những con thuyền buồm có niên đại cách nay trên 4.000 năm ở thềm lục địa Đông Nam Á. Và trên thực tế, các phương tiện giao thông trên sông nước do người Việt tạo ra thực sự phong phú, đa dạng: bè, mảng, xuồng, thúng, ghe, nóp, thuyền… Ngay cả những cây cầu giúp qua lại các địa hình sông rạch, kênh suối của người Việt cổ cũng khá đa dạng: Cầu khỉ, cầu tre, cầu dừa, cầu dây, cầu treo, cầu gỗ, cầu đá…
Đây chính là nguyên nhân khiến cho giao thông đường bộ, do gốc văn hóa làng xã của cư dân nông nghiệp bị khống chế, không phát triển được. Mỗi làng là một vương quốc độc lập, tự trị, tự cung tự cấp đã giới hạn việc di chuyển xa của người dân. Điều này tạo nên một diện mạo riêng của làng xã Việt Nam, mọi quan hệ giao thương, buôn bán đều lấy bến sông làm nơi giao dịch, cho nên không lạ gì khi các đô thị Việt Nam hiện nay đều tồn tại bên cạnh một dòng sông: Vân Đồn, Phố Hiến, Hội An…Trong lịch sử Việt Nam đã cho thấy sự hình thành các đô thị cổ đều là những thương cảng sông biển : Việt Trì, Hà Nội với sông Hồng, Thanh Hóa với sông Mã, Huế trên sông Thương…. Một trong những đặc điểm của đô thị Việt Nam khác với đô thị của Trung Quốc cũng như một số nước trong khu vực chính là sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc đô thị với sông hồ tự nhiên. Đời sống dựa vào nền nông nghiệp lúa nước đã tạo nên tâm thức về nước trong cả cộng đồng người Việt. Trước hết nước được mong chờ cho việc sinh hoạt, sản xuất : “ Lạy trời mưa xuống, lấy nước tôi uống, lấy ruộng tôi cầy, lấy đầy bát cơm”… Nước trở thành những chuẩn mực, là đối tượng so sánh mọi mặt trong đời sống “Chết trong còn hơn sống đục” “ Sông sâu còn có kẻ dò, lòng người nham hiểm, ai đo cho tường” “Buôn tàu buôn bè không bằng ăn dè hà tiện”… Sông nước và con thuyền không chỉ là nét văn hóa đặc trưng của Việt Nam mà nó còn mở rộng không gian đến một số nước Đông Á. Theo nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, sông nước có thể được coi là hằng số địa lý chung tạo nên dấu ấn quan trọng trong bản sắc văn hóa, dân tộc của các nước trong khu vực. Những trang trí trên trống đồng là yếu tố rất cơ bản, chứng tỏ mối liên hệ nguồn gốc giữa chúng với nền văn hóa khu vực. Mô típ nhà sàn mái võng, đầu đao cong vút uốn cong hình thuyền là hình ảnh kiến trúc gốc rễ và phổ biến ở một số nước Đông Á. Hình người hóa trang lông chim, hình thuyền trên tang trống là những hình ảnh ngày nay vẫn tìm thấy trong các phong tục lễ hội của người Indonesia, nghi thức đưa tang của người Dayak…, trong đề tài trang trí trên vải của người Java. Đó là mẫu số chung của nền văn hóa Đông Á được mệnh danh là văn hóa hình thuyền mà người Việt vốn là một thành viên. Do đặc điểm cư trú là vùng sông nước nên ngôi nhà của người Việt cũng gắn liền với môi trường đó. Dạng thích hợp nhất là nhà sàn, vừa cao ráo, thoáng mát lại tránh được lũ lụt hàng năm. Nhà sàn là kiểu nhà rất phổ biến ở nước ta ngay từ thời Đông Sơn. Không chỉ thích nghi với miền sông nước mà cả cho vùng núi như nhà của nhiều tộc người Tây Nguyên. Một số những ngôi đình làng thế kỷ XVI, XVII, XVIII hiện vẫn còn lưu giữ sàn đình như Đình Chu Quyến, Đình Mông Phụ, Đình Bảng… Không chỉ với thế giới người sống mà cả ở thế giới người chết trong quan niệm và nghi thức của người Việt cũng thể hiện rõ yếu tố sông nước, con thuyền. Ngay từ thời Đông Sơn người ta đã tìm thấy những chiếc mộ hình thuyền có chôn người chết cùng đồ tùy táng. Và thế giới bên kia theo quan niệm của người Việt và một số tộc người như Êđê, Gia Rai… cũng được hình dung là một vùng sông nước (chín suối), muốn đến đó phải đi bằng thuyền đưa linh. Do vậy trong nghi thức tang ma của người Việt ở một số nơi còn tục chèo đò đưa linh, tiền đi đò cho người chết. Những hình thuyền trên trống, thạp đồng Đông Sơn được xem là tương đồng với một số tộc người Dayak, Java xưa phản ánh hình ảnh những con thuyền đưa linh hồn người chết về thế giới bên kia như một qui luật của tự nhiên nối tiếp nhau bất tận.
Biểu tượng con thuyền và dấu ấn sông nước thể hiện trong kiến trúc đình làng Bắc Bộ Trong kiến trúc cổ Việt Nam, đình làng là biểu tượng tập trung nhất của làng về mọi mặt: hành chính, tôn giáo, văn hóa, tinh thần, tình cảm. Sự vượng phát của một làng phụ thuộc vào đình làng, vì vậy ngôi đình được tạo nên với tất cả tình cảm, niềm tin của dân làng. Là kiến trúc gỗ lớn nhất, ngôi đình làng Bắc Bộ là công trình tiêu biểu cho nền văn hóa mang đậm truyền thống nông nghiệp lúa nước. Bởi vậy, hình ảnh con thuyền và dấu ấn sông nước đã được biểu hiện sáng tạo, giàu ý nghĩa biểu tượng thông qua ngôn ngữ hình khối và kết cấu kiến trúc, qua đó thể hiện đầy đủ quan niệm, tín ngưỡng, văn hóa dân tộc. Kiến trúc Đình chi phối sâu sắc đời sống người dân với quan niệm ăn sâu trong niềm tin, nếp nghĩ “Toét mắt là tại hướng đình, cả làng toét mắt chứ mình em đâu”, vị trí, hướng đình có ý nghĩa quyết định vận mệnh của cả làng. Đình do vậy thường được dựng ở những vị trí đẹp, hợp với quan niệm phong thủy – Thường là nơi cao ráo trong làng, quay mặt hướng Nam hoặc Đông Nam. Trong đó, yếu tố nước rất được coi trọng, nhằm tạo sự hài hòa âm dương. Với những làng ven sông, bao giờ đình cũng được chọn xây dựng ở nơi bờ lõm của khúc sông, bên bồi của đất với ý nghĩa nước là nguồn gốc của sự sống, sông hồ là nơi tụ thủy, tụ linh, tụ phúc. Ấn tượng đầu tiên cũng như sau cùng khi nhớ về ngôi đình chính là bộ mái đình với những đầu đao cong vút. Sự tương phản giữa độ dốc, vẻ nặng nề chiếm 2/3 cả chiều cao ngôi đình của mái đình tương phản với tám đầu đao thanh thoát uốn cong tạo dáng bay lên là một xử lý tinh tế của người xưa. Nếu nhìn từ xa, đặc biệt trong những mùa mưa lũ, với những làng ven sông, ngôi đình chẳng khác gì một con thuyền trên sông nước. Tác giả Trịnh Cao Tưởng còn có một liên tưởng thú vị khi ông đứng nhìn mái đình từ các góc đao uốn cong tỏa sang hai bên gợi lên hình ảnh chiếc thuyền rồng đang rẽ sóng, còn những lớp ngói vảy cá trên mái đình như hình ảnh của sóng nước. Từ những cảm nhận đầu tiên đó, tác giả Trịnh Cao Tưởng đi tìm những chứng cớ cho hình tượng con thuyền trên kiến trúc đình làng. Ông đã tìm thấy quan niệm về con thuyền trong kiến trúc đình làng ở làng Hồi Quan, Tiên Sơn, Bắc Ninh… Cũng theo tác giả Trịnh Cao Tưởng, kết cấu của một ngôi đình Bắc Bộ nói chung tương tự kết cấu của một con thuyền ba khoang gồm có ba bộ phận chính lòng thuyền, trung tâm của thuyền nơi thấp nhất dùng để hàng và chở khách. Mũi và đuôi thuyền có ván ghép hai mạn lại, dưới có sạp ván là nơi đứng của người cầm chèo. So sánh với kết cấu của một ngôi đình ta thấy có sự tương đồng. Các gian trong một ngôi đình dù nhiều hay ít đều tuân theo nguyên tắc lấy gian giữa làm trung tâm và đối xứng đăng đối hai bên. Do vậy gian giữa chính là nơi đặt gian thờ Thành Hoàng và các đồ thờ quan trọng, cũng là nơi được trang trí lộng lẫy, nghiêm trang với hoành phi, câu đối, cửa võng… Đây cũng nơi duy nhất trong đình không lắp ván sàn mà để trống. Với những ngôi đình cổ, thường để đất nện với ý nghĩa âm dương giao hòa, vạn vật sinh sôi. Chỉ từ hai gian bên của đình mới được lắp ván sàn theo hình thức từ thấp đến cao dần ra phía ngoài, xác định vị trí cao thấp của các chức sắc trong làng xưa kia. Một loạt các bộ phận kiến trúc đình đều gắn với từ tàu – thuyền như: tàu mái, mũi tàu, dạ tàu, then tàu, câu tàu, bệ tàu… Chiếc xà gỗ nối hai đầu cột cái trong lòng đình cũng có tên gọi liên quan đến sông nước, đó là cái “ quá giang” mà nghĩa của từ quá giang chính là sang sông. Ngoài ra còn phải kể đến những mảng chạm khắc về cảnh chèo thuyền cũng khá phong phú, đa dạng trên chạm khắc kiến trúc đình làng như chèo thuyền hái hoa đình Tây Đằng, đua thuyền đình Cam Đà – Hà Tây … với cách chạm giàu tính biểu hiện phần nào phản ánh sinh động sinh hoạt người dân vùng sông nước.
Gắn với không gian đình làng, có một sinh hoạt văn hóa khá điển hình đó là chiếu chèo trước sân đình. Khi nghiên cứu về nguồn gốc của Chèo sân đình và mối quan hệ không thể tách rời giữa nghệ thuật chèo với không gian kiến trúc đình làng Bắc Bộ có nhiều ý kiến khác nhau.Tuy nhiên theo nhà nghiên cứu Vũ Khắc Khoan thì “Chèo” sân đình có nguồn gốc “Chèo thuyền” gắn với nghi lễ hát chèo đò, chèo thuyền đưa linh hồn người chết về thế giới tổ tiên.
Như vậy cùng với kiến trúc, nghệ thuật chạm khắc, chiếu chèo sân đình đã phản ánh sự gắn bó cội nguồn giữa hát chèo – con thuyền – ngôi đình. Biểu tượng thuyền không chỉ gắn với đình làng Việt mà còn gắn với ngôi nhà của người dân vùng Nam Trung Bộ. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Tụng, người Việt ở Phú Yên gọi lễ đổ nền nhà và định nơi đặt đá, kê chân cột là “Lễ định vị con thuyền”
Giá trị của nghệ thuật kiến trúc đình làng với biểu tượng con thuyền, sông nước. Có thể thấy kiến trúc cổ Việt Nam thực sự đã kết tinh được trong nó những giá trị sáng tạo đặc sắc cả về vật chất cũng như tinh thần, trong đó đình làng là một kiến trúc tiêu biểu. Tuy chiếm lĩnh một không gian nhỏ nhưng giá trị sử dụng và giá trị thẩm mỹ lại vượt ra ngoài giới hạn đó. Đình làng biểu tượng cho tính cộng đồng (một kiến trúc công cộng, bỏ ngỏ, thường xuyên không có người, nơi giải quyết việc làng, thực hiện đầy đủ chức năng, hành chính, tôn giáo, tuy linh thiêng nhưng cũng rất gần gũi đời thường. Kiến trúc đình làng do vậy được tính toán kỹ lưỡng từ tổng thể cho đến kích thước từng bộ phận, vừa đạt được một tổng thể hình khối đẹp, vừa đáp ứng việc sử dụng thuận tiện trong sinh hoạt cộng đồng lại hợp với môi trường sống. Đó là một kiến trúc hoàn toàn thích nghi với điều kiện thời tiết khí hậu của một vùng nhiệt đới, nóng ẩm mưa nhiều. Kết cấu dạng nhà sàn đình vừa cho thấy sự kế tiếp học hỏi từ dạng nhà sàn thời Đông Sơn, lại có tác dụng tránh ẩm thấp, lụt lội, cao ráo, mát mẻ cho việc tụ họp đông người trong cái khí hậu nóng bức. Mái đình lớn thấp, chiếm 2/3 chiều cao đình tạo cho không gian luôn mát mẻ, tránh nắng xiên khoai, cũng như thoát nước nhanh trong những trận mưa bão. Tuy nhiên, để giải quyết vấn đề thẩm mỹ của bộ mái, mái đình bốn chiều giao nhau tạo bốn đầu đao cong vút, nét thanh thoát, bay bổng cho công trình. Mặt khác, lối cấu trúc bốn mái tạo cho việc quan sát từ hướng nào đến đình cũng như nhìn chính diện. Đình có kết cấu mộng, là một kiến trúc không cần dùng đến một chiếc đinh nào vậy mà vẫn tạo sự liên kết bền chặt, linh hoạt. Đình có kết cấu khung gỗ, vì kèo, toàn bộ sức nặng dồn vào cột, đặt thẳng xuống chân tảng bằng đá chôn dưới đất. Kết cấu này có tác dụng không cần móng bằng gạch, chống động đất, mối mọt, nếu vận chuyển, đổi hướng của đình chỉ cần xoay, thậm chí di chuyển sang địa điểm khác một cách dễ dàng. Qua kiến trúc đình làng, ta còn thấy quan niệm hài hòa âm dương của người phương Đông nói chung và người Việt Nam nói riêng được thể hiện rõ nét. Theo quan niệm trong kiến trúc những gì nổi trên mặt đất (như công trình kiến trúc) thuộc dương và ngược lại trũng xuống, chìm xuống thuộc âm (hồ nước…).
Yếu tố âm dương kết hợp hài hòa tạo ra sự đối lưu về không khí. Mặt nước trước mặt công trình vừa tạo một tấm gương cho kiến trúc soi bóng,vừa tạo không gian mát mẻ, cảm giác thư thái. Nó cũng tạo ra một cảnh quan rộng thoáng cho việc tổ chức lễ hội. Hài hòa âm dương cũng thể hiện ngay trong kết cấu mộng của ngôi đình. Mộng vuông (+) tra vào lỗ tròn, rỗng (-) làm cho sự liên kết giữa các thành phần kiến trúc vừa linh hoạt vừa bền chặt. Cách lợp ngói đình cổ xưa cứ một viên sấp lại một viên ngửa thường gọi là ngói âm dương cũng là một cách thức tạo liên kết bền chặt, và thẩm mỹ. Như vậy, với dạng kiến trúc nhà sàn, dựa trên toàn bộ hệ thống cột, vì kèo gỗ vững chãi đẹp về hình dáng thượng thu hạ thách, đỡ toàn bộ hệ thống mái, xung quanh không xây tường mà dùng ván bưng, đố vừa thoáng mát vừa tháo lắp dễ dàng thuận tiện cho không gian thờ cúng cũng như sinh hoạt đông người.
Giá trị đặc sắc của kiến trúc đình làng chính là đã tích hợp trong đó những biểu tượng, hình ảnh biểu trưng cho văn hóa nông nghiệp lúa nước, gắn với môi trường sông nước. Đình làng đã tạo dựng được một ngôn ngữ hình khối chứa đựng nhiều ý nghĩa văn hóa, cũng như triết lý về cuộc sống, trở thành một biểu tượng đẹp trong không gian văn hóa làng cũng như trong tâm thức mỗi người dân Việt. Bởi vậy không ngạc nhiên khi hình ảnh ăn sâu trong tâm trí những đứa trẻ nông thôn là những chiếc diều tre bồi giấy cong như mái đình. Những chiều hè, những con diều cong cong lắc lư trên không như những chiếc thuyền đang lướt trên sóng nước…
Tài liệu tham khảo: – Nguyễn Văn Cương (2006), Mỹ thuật đình làng đồng bằng Bắc Bộ, NXB Văn hóa – Thông Tin. – Tạ Đức (1999), Nguồn gốc và sự phát triển của kiến trúc biểu tượng và ngôn ngữ Đông Sơn, Hội dân tộc học, Hà Nội. – Nguyễn Văn Kự, Hà Văn Tấn (1998), Đình Việt Nam, NXBThành Phố Hồ Chí Minh – Đặng Thị Phong Lan ( 2000),“Hình thuyền-một biểu tượng kiến trúc cổ Việt Nam”, Tạp chí Kiến trúc, số 02 (82), – Trần Ngọc Thêm (1997),Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, NXB Thành phố Hồ Chí Minh – Nguyễn Quân và Phan Cẩm Thượng (1989), Mỹ thuật của người Việt, NXB Mỹ thuật. – T.S Mai Bá Ân, Ám ảnh của văn hóa sông nước trong ngôn ngữ Việt Nam, tài liệu mạng
TS. Đặng Thị Phong Lan
Sen Việt decor – nhận thi công những công trình trên toàn quốc !
Hãy để lại bình luận của bạn tại đây!