ĐÌNH HOÀNH SƠN - NGHỆ THUẬT DÂN GIAN BẮC BỘ Ở NGHỆ AN

Đình Hoành Sơn (xã Nam Hoanh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An). Cách trung tâm Bắc Bộ về phía Nam đến hơn 300 km, người ta thường nghĩ rằng với một vị trí xa xôi như thế thì đình Hoành Sơn sẽ có một phong cách khác. Song, khi tiếp cận với Hoành Sơn, thì cơ bản không có những gì khác với những đình ở Bắc bộ. Vì vậy, có thể nói rằng nghệ thuật Bắc Kỳ hay nói đúng hơn là nghệ thuật tạo hình ở Bắc Kỳ hay Bắc Bộ (suốt cả châu thổ sông hồng tới tận Hà Tĩnh) là một nền văn hoá chung của người Việt xưa. Như cố Giáo sư Từ Chi đã từng nói rằng: “Văn hoá Bắc Bộ là kể cả vùng châu thổ sông Hồng cho tới hết Hà Tĩnh”.
Nghệ thuật đình Hoành Sơn gồm kiến trúc và chạm khắc đều thống nhất với mọi ngôi đình trên đất Bắc. Tuy nhiên, đình Hoành Sơn cũng có những đặc điểm rất riêng. Đầu tiên là về niên đại, đình Hoành Sơn được dựng vào khoảng đầu thế kỷ 18, đời Vĩnh Thịnh và đời Cảnh Hưng. Ở đây còn lưu giữ rất nhiều hình ảnh chạm khắc về con người, về hoạt cảnh và những linh vật. Hiện tượng ấy đã xảy ra ở châu thổ sông Hồng trong thời kỳ đỉnh cao của “nghệ thuật đình làng” (chữ của Thái Bá Vân đã từng dùng chỉ về giai đoạn này, chủ yếu khoảng những năm 80 - 90 của thế kỷ 17), sau đó trên đất Bắc nghệ thuật đình làng gần như xuống hẳn, song đến đây người ta ngạc nhiên khi dòng chảy của nền nghệ thuật này lại xuất hiện ở đình Hoành Sơn, có nghĩa đã kéo dài thời gian náo nức của “nghệ thuật đình làng” thêm gần nửa thế kỷ nữa.
Chúng ta có thể nhận thấy rằng: vào cuối thế kỷ 17, ở đất Bắc nền kinh tế của cộng đồng vẫn đủ mức cho người dân xây dựng những công trình cộng đồng làng xã, và đến đầu thế kỷ 18 thì nạn kiêm tính ruộng đất đã đẩy hàng chục vạn nông dân ra khỏi làng xã, khiến cho kinh tế cộng đồng trở nên kiệt quệ. Điều kiện đó không cho phép duy trì nghệ thuật dân tộc dân gian dân dã ở đất Bắc nữa. Nhưng cũng thời kỳ đó ở miền Trung mà đặc biệt là vùng Nghệ Tĩnh là nơi đất rộng người thưa, ruộng công còn rất nhiều và kinh tế của cộng đồng vẫn còn rất mạnh vì thế người ta vẫn duy trì được nền nghệ thuật theo truyền thống mà một biểu hiện là đình Hoành Sơn. Tuy nhiên không còn tìm thấy được ở nền nghệ thuật này những dấu tích náo nức, hay ý thức hoà giữa thiên nhiên với con người nữa, mà nó đã có một cái gì đó như tách biệt khỏi thế giới linh thiêng, vũ trụ, thế giới của thần linh với “cuộc đời bụi bặm”, đồng thời người ta đã đưa vào đây những hình ảnh gắn với tầng lớp quyền quý, như những hình chạm mang những tích cầu hiền, đánh cờ… đó là cái riêng của Hoành Sơn.

 

 

Như vậy, đình Hoành Sơn phải có một cương vị hết sức quan trọng trong hệ thống đình làng của dân tộc Việt. Bởi thực tế, cùng giai đoạn ra đời với đình Hoành Sơn, thì ở đất Bắc cũng có những ngôi đình làng, nhưng chúng được xây dựng bởi sự trợ giúp của các thương nhân giàu có, như đình Bảng, đình Đồng Kỵ… còn ở Hoành Sơn thì nhịp thở dân tộc dân dã dân gian của thế kỷ 17 vẫn nối dài, để tất cả những người làm về văn hoá và những khách hành hương khi tới đây vẫn được chìm trong nhịp thở của truyền thống quê hương.
 
Đình Hoành Sơn được dựng vào khoảng đầu thế kỷ 18, nếu trước đó, thông thường các công trình văn hoá nhìn về hướng Nam hoặc Tây, thì nay đình đã quay hướng Đông - Bắc. Xét về phong thuỷ, đây là một mảnh đất thiêng với hệ núi Đại Huệ (Đại Tuệ) làm tiền án giúp diệt trừ điều xấu xa tàn ác, dãy núi Thiên Nhẫn làm thế tựa phía sau (lưng ngai), đằng trước có con sông Lam chạy từ phái qua trái đem dương khí (thuận hướng) đưa nguồn phúc đến cho muôn nhà. Nhưng rất tiếc là hiện nay, con đê và đường đi của sông Lam ngay sát mặt đình (chỉ cách khoảng 20m) khiến cho uy thế của đình phần nào hạn chế.

 

Đình Hoành Sơn có 5 gian 2 chái, đây là một trong những ngôi đình lớn ở Việt Nam, vì những đình thông thường chỉ phổ biến có 3 gian 2 chái. cho tới nay đình Hoành Sơn vẫn còn giữ được hình thức cổ với bộ mái lớn chiếm khoảng hơn 2/3 lần so với thân lộ ra dưới mắt nhìn. Người xưa thường nói rằng: đình có mái lớn như vậy là để tránh nắng vào mùa hè, tránh mưa, gió bão…Tuy nhiên dưới góc độ tâm linh, chúng ta có thể nhìn thấy những ý nghĩa phản ánh về tam tầng của vũ trụ, với bộ mái tượng trưng cho tầng trời. Tuy nhiên, vào khoảng đầu và giữa thời Nguyễn (thế kỷ XIX) không rõ vì yếu tố kinh tế hay vì nhận thức không đầy đủ, người đương thời đã bỏ tất cả ngói cổ để thay bằng thứ ngói lợp nhà bình thường, đó là ngói vẩy hến. Nhưng rất may, những con giống ở trên mái đình dù cho được đắp lại bằng vôi vữa, vẫn phản ánh rõ ý nghĩa tâm linh của bộ mái đình. Chính tâm bờ nóc là một con hổ phù rất lớn đội mặt trời. Tuy hổ phù chỉ là sản phẩm của thế kỷ 20, nhưng nó được tạo khối khá đẹp, điều mà hầu như hiện nay nhiều nhà tu bổ không làm được. Đao của mặt trời được thể hiện rất vững, cao, đậm vừa phải, thích hợp với toàn bố cục, bản thân con hổ phù không gai góc, chân mở với khuỷu không bị uốn tròn mà tạo nên một góc vững chãi nhưng mềm mại hợp với tâm hồn dân tộc. Chúng ta có thể thấy rằng hổ phù mang yếu tố âm và mặt trời phía trên mang yếu tố dương, tất cả hoà hợp trong thể âm dương đối đãi để cầu phát sinh, phát triển. Ở hai đầu của nóc đình là hai hồi long, đó là 2 con rồng chạy ra đến đầu kìm thì ngóc lên và quay đầu chầu vào giữa, đây chính là một hình thức riêng có của đình Hoành Sơn. Nhiều nơi cũng có hồi Long hay rồng chầu mặt trời được thể hiện với rồng nằm trên bờ nóc, còn 2 đầu kìm là 2 linh vật khác. Nhưng ở Hoành Sơn thì đôi hồi long vừa mang tính chất đôi rồng chầu mặt trời ở chính tâm, vừa mang chức năng của đầu kìm. Có lẽ hình thức này đã có sự tham gia của một số nhà Nho dân dã xứ Nghệ. Từ hai đầu rồng, bốn bờ dải chạy thẳng xuống theo 2 mái, tạo nên một khúc gãy (khúc nguỷnh) với 2 bờ guột chạy đến góc đao. Khúc nguỷnh này chính là nơi của con xô/con náp, thường mang dạng một con lân được đắp bằng vôi vữa. Tuy dáng hình con lân này chưa được đẹp nhưng nó vẫn mang tư cách là linh vật của tầng trên, của bầu trời, của trí tuệ. Lân đại diện cho thánh nhân, để kiểm soát tâm hồn kẻ hành hương. Từ đó, chạy ra đến đầu đao là một bờ guột với đầu được đắp một hồi long quay đầu chầu vào giữa tâm đình. Đầu đao là hệ thống vân xoắn cách điệu dưới dạng kỷ hà giống như một biểu tượng nghệ thuật hoá của sấm chớp mang tính ước vọng cầu mưa cầu mùa sinh sôi.

 

 
Như trên đã nói, ngói đình nay chỉ lợp ngói vẩy hến, song rất may là ở bờ nóc, bờ dải và bờ guột vẫn còn giữ lại những gạch hộp rỗng mà trên đó được thể hiện một loại trang trí quen gọi là hình tượng hoa chanh cách điệu. Ở đây trong một giới hạn nào đó, chúng ta vẫn thấy nó gần gũi với biểu tượng của tinh tú. Nếu như cẩn thận thì cũng những ngói vẩy hến lợp nhà này người ta sẽ thêm một cái u tròn chính giữa đỉnh mũi ngói, để mang tư cách là nhân phát ra các tia sáng, một biểu tượng của tinh tú.
Tóm lại, các con giống gắn trên nóc đình cùng những bờ dải, bờ nóc trang trí hoa chanh (ngoài những hoa chanh đắp vữa thì vẫn còn, những hoa văn trên hiện vật đất nung) đã hội thành những biểu tượng gắn với bầu trời, tượng trưng cho tầng trên.
Ngôi đình này chắc chắn trước đây phải được dựng trên nền cao, nhưng nay nền đình chỉ cao hơn mặt sân độ 20cm. Đó là một hiện tượng không bình thường, có thể do người ta đã nâng đất xung quanh khiến đình như bị lún xuống.
 
Vốn xưa đình Hoành Sơn chỉ được kiến trúc dạng chữ Nhất, không có hậu cung. Nơi thờ Thánh được làm dưới một gác lửng ở giữa 2 cột cái trong chạy về phía sau đến cột quân. Vào khoảng đầu thời Nguyễn, chủ nhân xây toà hậu cung đã hết sức tôn trọng đình chính nên đã dựng hậu cung là một kiến trúc riêng, chung mái với đại đình chứ không xẻ mái đại đình để nối vào. Chính vì thế đã tạo nên một không gian nội thất thống nhất và may mắn đã giữ lại cho chúng ta ngôi đình quý hiếm này. Vốn xưa đình này có sàn và là nơi sinh hoạt của cả cộng đồng, nhưng khi đình đã có thành hoàng làng (Lý Nhật Quang) và chuyển hoá thêm chức năng thờ tự thì đại đình đã trở thành một mảnh đất thiêng liêng đầy chất thánh thiện. Do đó, bao quanh đình phải có hệ thống đá bó vỉa bởi người xưa quan niệm: đá là vật chuyển tải được linh khí giữa âm và dương, giữa trời và đất. Tự thân chất đá đã có sự linh thiêng nhất định, bởi thế những kiến trúc (ít nhiều gắn liền với yếu tố tâm linh) đều được bó vỉa đá (đây là một chi tiết cần thiết cho tu bổ). Hiện nay ở nhiều kiến trúc trên đất Bắc, đôi khi người ta bỏ mất chiếc xà ngưỡng ở gian giữa để ra vào cho thuận tiện, song Hoành Sơn vẫn có chiếc xà ngưỡng đó. Dù xà này mới được sửa lại, song nó vẫn biểu hiện một nhận thức về tâm linh khá cao (mang tư cách vật cản những sự xấu xa của con người trước khi tiếp cận với thần linh). Gian giữa này đã được lát gạch đá men nhưng thực sự trước đây là lát đá phiến. Thời gian đình được sử dụng làm kho trong thời chống Mỹ, tường bao quanh đình đã được xây kín ở hầu hết cả 4 phía. Đây là một cử chỉ của đời làm nhoè đạo và chắc chắn khi tu bổ nó phải được tháo dỡ mà thay bằng những chất liệu thích ứng (gỗ).
Đình Hoành Sơn còn giữ được kết cấu gốc với những bộ vì nóc được làm theo lối giá chiêng, chồng rường con nhị có lắp ván bưng ở chính giữa. Trên đỉnh là một thượng lương dọc dài theo suốt cả mấy gian nhà, để nối phần đỉnh của 6 bộ vì với nhau. Dưới thượng lương này là đấu kê lớn theo kiểu con sơn ba chạc (một đấu kê kép 3, dưới dạng con sơn)- hai chiếc rường đội nhau thông qua hệ đấu vuông thót đáy nhỏ, đầu rường kết vân xoắn lớn- như một biểu tượng của sấm chớp, để khi xuất thần bước vào trong đình chúng ta như nghe thấy tiếng “thầm thì” của vũ trụ hay lời cầu của tổ tiên về sự sinh sôi phát triển, với mưa thuận gió hoà. Một số con rường ở đầu hồi bên phải cũng đã biểu hiện những vân xoắn kèm đao mác, càng như củng cố cho nhận thức trên. Dưới 2 đầu con rường này là 2 cột trốn. Ở mặt ngoài của 2 cột trốn là 2 rường cụt cũng theo cách thể hiện như rường trên. Mọi đầu rường đều vươn ra để đỡ các hoành mái. Các hoành này hầu hết còn giữ được nguyên gốc của nó với dạng tròn. Các hoành của kiến trúc từ khoảng đời Tự Đức về sau nhiều khi kết cấu dưới dạng vuông, đó là hiện tượng xảy ra đối với toà hậu cung.

 

Từ đó có thể suy đoán niên đại của toà hậu cung là từ giữa thế kỷ 19 về sau. Dưới cả hệ thống trên là một quá giang (tức xà khá lớn) hai bên bào cong kiểu ốp vỏ măng. Tại chiếc quá giang ở gian giữa và ở đầu hồi bên phải đã được chạm trổ khá kỹ ở dưới bụng với hình thức một mặt trời lưỡng nghi, mỗi bên toả ra 3 đao mác lớn. Hình thức này cho phép chúng ta nghĩ tới một biểu tượng, tuy ít nhiều cũng đã thoáng thấy ở các đình khác song việc được làm khá chuẩn mực, chỉ mới thấy ở riêng đình Hoành Sơn. Đặc biệt là nó lại được chạm ở phần giữa của câu đầu mà hầu như ở các kiến trúc khác trên đất Bắc còn rất dè dặt. Mặt bên phía trong của 2 chiếc câu đầu gian giữa đều có chạm phượng hàm thư. Với một không gian hạn hẹp của thân gỗ mà hình thức phượng vẫn không bị khiên cưỡng, với đôi cánh mở rộng sang 2 phần đầu để nối với các đao mác thường thấy ở các kết cấu cùng loại. Có thể nói rằng, những phượng hàm thư được thể hiện ở đây cũng là một hình thức đáng quan tâm nói lên sự mạnh bạo của người xưa, có khi chủ nhân đã vượt qua được sự hạn hẹp của tư duy nông nghiệp. Ở đây địa thế gần sông, với truyền thống nghề buôn của những con thuyền xuôi ngược, nghệ nhân làm đình cũng đã dồn nén tâm tư tương ứng vào nhiều hình tượng của đình này. Hình tượng phượng được thể hiện dưới dạng hàm thư, tuy ít nhiều có chịu ảnh hưởng của văn hoá Trung Hoa, nhưng về cả hình thức lẫn nội dung hầu như đã được Việt hoá để nói tới ước vọng của người dân là “phi trí bất hưng”. Cầu mong thành hoàng làng là thần Lý Nhật Quang hãy dùng sức mạnh vô biên của Người để thúc đẩy sự học hành, sản sinh ra nhiều nhân tài giúp dân giúp nước. Những con phượng này đã ít, nhiều vượt ra khỏi tính chất mềm mại cố hữu, mà được thể hiện bằng những động tác dứt khoát, mạnh mẽ.
 
Cuối câu đầu là những đầu dư được chạm lộng, bong, kênh những con rồng có đầu chầu vào giữa lòng đình, còn đuôi là chiếc rường thứ nhất của “cốn”. Đặc điểm của những rồng này cũng mang tư cách bẩy để đội cân bằng các kiến trúc bên trên. Song, đầu dư chỉ có ở gian giữa và 2 gian đầu, tương ứng với nó là những bộ cốn chồng rường hình tam giác nối giữa cột cái và cột quân. Phần trên của cốn với 3 con rường ngắn dài đội nhau đều ăn mộng vào cột cái. Phần dưới giữa cột cái và cột trốn là một ván bưng được chạm trổ rất cầu kỳ các đề tài về rồng, thuyền và nhiều hoạt cảnh khác. Trên thân cột trốn cũng có nhiều đề tài chạm trổ rất đáng quan tâm, như voi, hoa điểu. dưới cùng là một xà nách cũng chạm linh vật như rồng ở gian giữa hay phượng ở gian hồi.
 
Từ đầu cột quân vươn ra ngoài là một chiếc bẩy khá dài từ xà nó xuống tỷ lệ các khoảng hoành như sau: nóc 5 khoảng, cốn 5 khoảng và bẩy 3 khoảng lớn. Hình thức bẩy với đầu được phạt giật cấp rất nghệ thuật. Ở thế kỷ 19 khi tu bổ người đương thời đã đóng vào đầu các bẩy này một bác bẩy chạm hình chữ Thọ. Nghé (đuôi bẩy) ở phía trong cột quân đội bụng xà nách không để trơn mà thường chạm các mặt hổ phù khác nhau, đó là hình thức không mấy phổ biến ở các đình làng, nhưng ở đây đã thể hiện một cách rất nhuần nhuyễn tạo nên một vẻ đẹp như của riêng di tích Hoành Sơn. Hai gian bên sát với gian giữa không có cốn chồng rường mà chỉ có một kẻ ngồi đội ván nong đỡ hoành, đầu trên ăn mộng vào cột cái và đầu dưới ăn mộng vào đầu ngoài của xà nách, nơi sát với cột quân. Đây là một hình thức kiến trúc đơn giản trang trí. Do đầu bẩy khá dài vì thế lâu ngày thường bị xệ xuống và trong nửa cuối thế kỷ 20 dân làng đã xây những trụ hiên bằng gạch để đỡ các kết cấu này.
Một đặc điểm đối với kiến trúc đình Hoành Sơn là tại các cột cái có hệ thống xà hạ, chúng kết nối với nhau thành một vòng xà đai liên kết giữ cân bằng cho các gian, đặc biệt ở 2 đầu hồi hệ thống xà này được nối ở dưới quá giang và nó như một biểu hiện của xà lòng trong kiến trúc. Đó là một kết cấu khá hiếm trong kiến trúc cổ truyền của dân tộc, thường là chiếc xà này nằm ở hệ thống xà đai hạ thuộc cột quân là chính.
 
Đình Hoành Sơn có phần mái bên không được lớn lắm, vì không có bộ vì nóc phụ, đồng thời kẻ góc chỉ chạy một mạch thông qua cột quân góc và cột cái tương ứng để nhô đuôi kẻ lên phía trên dưới dạng lửng không chạy tới vào xà nóc, Đặc biệt, đuôi những chiếc kẻ này đều được chạm rồng dưới dạng tượng tròn, đang trong tư thế vươn lên với kỹ thuật bong, lộng rất tinh xảo.
 
Chạm khắc của đình Hoành Sơn chủ yếu được thể hiện ở vì nóc, “cốn”, “bẩy”, 2 “y môn ”của gian giữa, “lá gió” đầu cột quân (diệp hạ).
Nhắc đến đặc điểm nghệ thuật của đình Hoành Sơn, chúng ta không thể không nói tới nghệ thuật chạm khắc với rất nhiều đề tài:
- Đề tài gắn với linh vật: những con rồng, phượng, lân, và đặc biệt clại có cả rùa xuất hiện sớm ở phần trên cao của ngôi đình là điều khó có ở thế kỷ 17. Chúng ta có thể thấy được những con rồng với “mắt quỷ”, miệng lang, sừng nai, tai thú, trán lạc đà, kèm theo những đao mác và đao đuôi nheo đã khẳng định niên đại của nó nhưng đồng thời cũng nói cho chúng ta hiểu rằng bản thân con rồng là mây và những đao của nó là sấm chớp, cho thấy người dân ở đây vẫn như muốn nhắc nhở vị thần trong đình hãy nổi sấm lên, gọi mây về cho mưa xuống để con người có dòng nước ngọt mà cày cấy.
Rồng 5 móng là tượng trưng cho thiên tử con trời. Nhưng tất cả những quy định đó chỉ bắt đầu vào thời Lê sơ thế 15 - 16, còn trước đó rồng không có quy định. Rồng có 3 - 4 móng hoặc không có móng là rồng dân, không đại diện cho vua, không đề cao vua, mà nó chỉ nói lên ước vọng mà thôi. Rồng là mây, đao của nó là sấm chớp nên đây là biểu tượng cầu mưa. Ở gian giữa, y môn ngoài gắn với cột cái được chạm trổ rất kĩ hình tượng rồng, phượng và hổ phù. Phần trên với trung tâm là hổ phù cách điệu đội chữ Thọ (mặt ngoài) và chữ Phúc (mặt trong). Trong trường hợp này, nó như biểu tượng của mặt trăng toả đao sáng sang hai bên với phía ngoài có phượng hàm thư chầu vào, phía trong là mây cuộn và đao. Hai bên cột cái là đôi rồng đang chạy xuống được chạm trổ với kỹ thuật cao dưới hình thức bong, lộng và những đao mác dài. Điểm xuất trên những đao mác đó là những biểu tượng gắn với lửa, để nói lên sức mạnh vô biên của đôi rồng này. Đôi rồng này mắt quỷ tròn trong hốc sâu, mũi sư tử, môi cong lên, miệng đang ngậm hạt tròn, mà nhiều người gọi là viên ngọc. Song, cũng có người nghĩ rồng là mây, thì hạt tròn đó như tinh tú đang ẩn hiện trong mây. Chúng ta có thể thấy tạo hình rồng có các đao mác, theo lại có đao kiểu râu cá trê, đôi khi tưởng là cắm nhầm chỗ, như là một biểu hiện suy lạc của nhận thức, song nếu không có những chiếc đao này chúng ta dễ nhầm lẫn rồng trên có niên đạo vào thế kỷ 17. Sự kết hợp của hai dạng đao kể trên đã cho chúng ta tin chúng là sản phẩm của đầu thế kỷ 18. Tại y môn trong, trên cùng, sát đầu cột cái là đề tài rồng chầu mặt trời dưới dạng chạm thủng. Mặt trời là một hình tròn lưỡng nghi được bao ngoài bởi những đao ít nhiều gắn với cánh hoa cúc rồi toả sang hai bên là các đao mác. Đôi rồng được hiện hình nguyên con với các đao mác rõ rệt ở khuỷu, vây lưng. Song đao mắt của rồng lại diễn ra dưới dạng râu cá trê, mắt gắn sừng và mũi sư tử khoằm (khá xa lạ với nghệ thuật với tk 17 mà là sản phẩm của thế kỷ 18). Dưới bộ rồng này là 5 ô hộc, mỗi ô đều được trang trí chạm nổi ở bốn góc những đề tài thiêng liêng để làm nền cho chữ” hoàng thượng vạn vạn tuế”. Tại chiếc xà đai của gian này, trên mặt được chạm 5 mặt trời toả đao sáng cân đối sang 2 bên với 5 chữ: Càn Nguyên Hanh Lợi Chinh. Phần dưới của y môn là sản phẩm khá muộn với niên đại khoảng nửa đầu tk 20. Đầu dư này đã vươn ra khá dài so với các đầu dư của tk 17.
 
Những con phượng của đình rất đẹp với nhiều kiểu dáng, nhưng cơ bản vẫn là phượng hàm thư, được thể hiện một cách mạnh mẽ, dứt khoát trong từng động tác và trong cách thể hiện chưa có tính chất gai góc như phượng các thời về sau. Phượng vẫn có những đặc điểm như mỏ diều, tóc trĩ, cánh đại bang, đuôi công…Suy cho cùng, nó là một con vật của vũ trụ với đầu đội công lý và đức hạnh, mắt là mặt trời mặt trăng, lưng cõng bầu trời, cánh lá gió, lông là cây cỏ, đuôi là tinh tú, chân là đất. Cho nên, nó tượng cho cả bầu trời, cho sinh lực vô biên “vũ trụ” và đặc biệt là nó biểu tượng cho thánh nhân. Nhưng trong tư cách thánh nhân nó lại hàm thư như để nói lên tinh thần của tổ tiên là “phi trí bất hưng” là ước vọng truyền đời của tổ tiên ta.
 
Những con lân cũng được chạm trổ rất đẹp, tuy nhiên không rõ vì lý do gì mà hình tượng lân được chạm trổ tại đình Hoành Sơn khá ít. Mặc dù vậy, nó vẫn là biểu tượng của trí tuệ, của sự thông minh của thánh nhân và nó vẫn mang tư cách kiểm soát tâm hồn kẻ hành hương.
Đặc biệt là, lần đầu tiên trong tạo hình, người ta đã đưa tứ linh lên phần trên của ngôi đình, đó là hình tượng con rùa. Vào tk 17, rùa mới chỉ dè dặt xuất hiện trên gỗ tại những cấu kiện kiến trúc phía dưới, như ở chùa Bút Tháp. Nhưng tại Hoành Sơn, hình tượng con rùa đã leo lên cao (trên cốn) sát với nơi của thánh thần. Rùa được chạm khá thực, nhưng người ta vẫn nhìn thấy ở đó cái mai khum khum tượng trưng cho bầu trời, cái bụng phẳng tượng trưng cho đất. Và rõ ràng, tự thân nó đã trở thành biểu tượng của âm dương đối đãi. Đặc biệt, phía trên con rùa lại có một cái lá sen úp xuống thể hiện đầy đủ các đường gân. Lá sen ấy không phải vô tình được đưa vào, mà nó là biểu tượng của “8 vạn tư pháp môn” hay là mọi con đường ở trên đời đều dần tới Đạo tượng trưng bằng sự hội tụ vào cuống của lá sen. Điều này, ít nhiều mang ảnh hưởng của Phật Giáo. Như vậy, rõ ràng con rùa và lá sen không chỉ mang tính chất biểu hiện về tứ linh mà còn mang ý thức gắn với triết học. Có thể nói rằng: những trí thức nông thôn ở làng này đã có những tác động mạnh mẽ vào các các đề tài chạm khắc của đình.
Một đặc điểm khác, về tạo hình ở đình Hoành Sơn, là ở nhiều mảng chạm, nhất là những cảnh chèo thuyền hay những mảng chạm có chứa nhiều yếu tố dân gian dân dã thì một sự vô tình chúng ta đã tìm thấy những con thuyền mà người chèo thuyền không còn ở đấy nữa nhưng dấu tích (hình bóng) của họ vẫn còn in hằn trên ván. Như vậy, chúng ta có thể hiểu cái ván ấy và cả con thuyền đã được chạm ở bên ngoài rồi gắn vào cái nền đã được chọn sẵn của ngôi đình. Một hiện tượng sản xuất hàng loạt ở dưới mặt đất rồi đem gắn lên, thì đó là biểu hiện có sự sản xuất hàng loạt gắn với thương mại, khiến chúng ta nghĩ đến một nghề nghiệp cổ truyền của làng này và đồng thời con sông Lam đã có tác động không nhỏ đến nghệ thuật của đình. Hình thức của những con thuyền không xa lạ với những con thuyền xuôi ngược được chạm trên những ngôi đình khác, như: đình Hoàng Xá (Vân Đình, Hà Đông) hay ở chùa Tự Khoát, Thanh Trì, Hà Nội, hoặc ở rất nhiều di tích khác. Điều đó nói lên những con thuyền xuôi ngược đã chở nghệ thuật của các vùng hội tụ lại ở đây, hay thương mại chính là mạch máu của đất nước đã tạo nên sự thống nhất của cả cộng đồng. Những chạm khắc rất đẹp nhưng ý nghĩa của nó lại mênh mông hơn thực tế rất nhiều. Chúng ta còn thấy rất nhiều chạm khắc khác như: những hổ phù trên các ngói được thao diễn dưới nhiều dạng khác nhau, hổ phù oẹ ra chữ Thọ hay oẹ ra mặt trăng, đó là biểu tượng cầu được mùa. Hay, những vân xoắn được gắn với lá cúc, đây là hiện tượng thiêng hoá lá cúc, bởi có nhiều trường hợp hoa cúc là biểu tượng của mặt trời, hoặc tinh tú, khi kết hợp với lá cúc và vân xoắn, chúng tạo nên hình tượng nguồn sáng cùng những tia sáng, giúp thiêng hoá cả không gian này.
Thực tế xã hội đã phản ánh lên nghệ thuật chạm khắc, từ chạm khắc này ít nhiều người ta tìm hiểu được về thực tế xã hội đương thời, để tạm thấy rằng nghệ thuật không phải cái rập khuôn mà nghệ thuật còn phản ánh lịch sử xã hội của thời kỳ sản sinh ra nó.
Tượng thờ trong đình rất có thể liên quan đến vị thành hoàng làng Lý Nhật Quang, theo sử sách ghi lại thì Lý Nhật Quang từng được xem như vua của vùng này. Tượng có niên đại tk 18 chuyển đến từ đền thờ Lý Nhật Quang (vì đình chỉ có ngai, không có tượng). Trong đình còn một số tượng Phật, có thể đã được đem từ một ngôi chùa nào đó về đây.
Đình Hoành Sơn một di tích nghệ thuật điển hình của nền văn hóa Bắc Bộ tại Nghệ An. Nếu như vào đầu thế kỷ 18, các ngôi đình ở châu thổ sông Hồng hầu như không còn dấu tích náo nức qua các mảng chạm khắc thì tại Nghệ - Tĩnh dòng truyền thống ấy vẫn còn tồn tại trên nhiều kiến trúc như đền Tam Lang ở Can Lộc, Hà Tĩnh và Hoành Sơn ở Nam Đàn, Nghệ An… hiện tượng đó cho phép chúng ta đưa ra một gia thiết để làm việc là, đương thời, nạn kiêm tính ruộng đất ở đông bằng Bắc Bộ đã phá vỡ nền kinh tế cộng đồng làng xã, một bệ đỡ của nền văn hóa dân gian đích thực, thì lúc đó ruộng công ở Thanh- Nghệ - Tĩnh vẫn còn khá nhiều, cộng với phần nào chịu ảnh hưởng của các sỹ phu xứ Nghệ mà dòng chảy nghệ thuật truyền thống tuy ít nhiều có nét riêng, song về cơ bản đình Hoành Sơn và các di tích liên quan đã như đủ tư cách đại diện cho dòng chảy mỹ thuật dân dã của cha ông ta thuở đó.
 
----Bài của PGS. TS Trần Lâm Biền, trong chuyến về Hoành Sơn ----
Đăng ký tư vấn
Gửi thông tin của bạn để được tư vấn sớm nhất
Để lại bình luận

0 Bình luận

Hãy để lại bình luận của bạn tại đây!

Thông tin bình luận

Thành công
Lỗi hệ thống, vui lòng thử lại!