Đình Chu hiện thuộc địa bàn thôn Trung Kiên, xã Đình Chu, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc. Đây là ngôi đình lớn, chung của cả xã và tên đình cũng được dùng để đặt cho tên xã. Trên Gác thờ lừng ở Hậu cung hiện còn ngai và bài vị thờ Vua Hùng. Hội chính vào ngày 10 tháng 3 âm lịch.
Ngôi đình đã được xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc Gia theo Quyết định số 310/QĐ-BT ngày 13/02/1996 của Bộ Văn Hóa – Thông Tin.
Đình Chu quay hướng Nam Tây Nam, trên một thế đất băng phẳng, rộng thoáng, phía Nam thôn Trung Kiên. Phía ngoài cùng là Nghi Môn mới xây gần đây. Cụm kiến trúc chính gồm Đại Bái – Ống muốn – Hậu cung, trong đó Hậu cung có mặt bằng nền là phần nối dài của Ống muống, nhưng bờ mái Hậu cung lại nằm song song với bờ mái Đại Đình và vuông góc với bờ mái Ống muống. Cấu trúc đó đã khiến đình Chu có mặt bằng nền hình “ chữ Đinh ”nhưng mặt bằng mái hình “ chữ Công”.
Châm tảng bằng đá tự nhiên và dấu mộng của Sàn/Sạp gỗ
Cả Đại bái và Hậu cung hiện còn giữ được những chân tảng bằng đá tự nhiên, được tạo tác đơn giản, không chú trọng về hình thức. Điều này chứng tỏ trước đây các chân tảng không xuất lộ mà được che khuất bởi hệ thống Sàn/Sạp gỗ. Hiện nay, trên các thân cột vẫn còn các dấu mộng lắp dầm của Sàn/ Sạp gỗ.
Liên kết và trang trí khung gỗ Đại bái
Đại bái có kích thước 23,2×12,68m, gồm ba Gian hai chái lớn nên rộng như 5 gian; các gian rộng từ 3,7m đến 4m, nhưng mỗi chái rộng tới gần 5m. Đại bái vốn để trống xung quanh, nhưng hiện nay đầu hồi bên trái đã được xây tường gạch trát vữa và hai góc đầu hồi xây tường góc đỡ đầu kẻ Xò. Ở phía sau hai gian bên xây tường bao ngắn, nồi vuông góc với tường bao Ống muống, trên thân tường trổ cửa sổ “ chữ thọ” tròn.
Khung kết cấu của Đại bái dựa trên sáu hàng chân cột; cả bốn vì nóc chính đều làm theo kiểu Gía chiêng – Chồng rường. Hai vì lửng ở chái làm kiểu chuồng rường đơn giản do ở vị trí khuất nên các con Rường chỉ được bào phẳng. Các vì nách dùng hai kiểu liên kết là ván mê và chồng rường. Liên kết giữa cột Quân và cột Hiên đều làm kiểu kẻ suốt.
Mái đình lợp bằng ngói di loại nhỏ. Mái Ống muốn và hậu cung có kết cấu chồng diêm, các đường bờ nóc, bờ chảy được xây gạch, trát vữa, đắp gờ chỉ. Hai đầu bờ nóc đắp kìm nóc dạng Makara, các đầu bao đắp hình rồng.
Trên các cấu kiện gỗ ở Đại bái và Ống muống chạm khắc các hình tượng linh thú trong bộ tú linh ( Long, lân, Quy, Phụng), hay các biểu tượng tự nhiên như Đao mác, vân xoắn.
Hình rồng được chạm trên các đầu Dư, trên hai cốn trước thuộc gian giữa của Đại bái và trên hai vì nách ở Ống muống… với các chủ đề” long cuốn thủy”, “ lưỡng long triều nhật”, “ Độc long”… hình phượng được chạm trên cốn bên phải của phần liên kết Ống muống với Đại bái; trên ván Dong và thân kẻ ở đại đình với những mô típ “phượng hàm thư”, “phượng vũ”… Hình “long mã phụ đồ”, lưng cõng hòm sách và “ chữ phúc” được chạm trên cốn bên trái, ở vị trí giữa Ống muống với Đại bái. Rùa được chạm trên ván Dong trên thân kẻ trước, bên trái gian giữa, sát với tàu mái tòa đại bái và trên Cốn chữ nhật bên phải của phần giữa Ống muống và Đại bái.
Cồn chạm Long mã
Trong quá trình tồn tại, ngôi đình cũng đã nhiều lần được tu sửa. Tuy nhiên đã có thời gian đình được trưng dụng làm kho chứa lương thực của hợp tác xã và sân đình cũng bị dỡ bỏ. Do không còn được sử dụng đúng chức năng nên nhiều cấu kiện đã bị hư hỏng. Sau này đình có được tu sửa nhỏ như đắp một số ” con Giống” trên mái, xây Nghi Môn, lát lại sân… Gần đây đình Chu vẫn được tiếp tục sửa chữa; năm 2002 đảo ngói Đại bái, năm 2012 – 2013 thay Hoàng, Rui, xà, ngói ở Đại bái và Hậu cung.
Tuy vậy, tình trạng kỹ thuật cũng như hiện trạng bảo tồn của ngôi đình đang ở mức báo động đỏ: Mái ngói Đại Bái bị xô, tụt, vỡ… gây dột, nhiều mảng chạm, cấu kiện gỗ vì vậy đã bị hư hỏng, mục nát…
Tham khảo: Kiến trúc đình làng Việt
Nguồn Ảnh: Hiếu Trần.
Sen Việt decor – nhận thi công những công trình trên toàn quốc !
Hãy để lại bình luận của bạn tại đây!