Công nghệ tái hiện lịch sử dưới lòng đất tòa nhà Quốc hội

Trên diện tích 3.700 m2, các di chỉ khảo cổ của nhiều giai đoạn lịch sử được tái hiện bằng công nghệ 3D, chiếu sáng nghệ thuật…

Dưới lòng đất tòa nhà Quốc hội, 140 di tích cùng hàng chục nghìn di vật qua 1.300 năm, từ thời Tiền Thăng Long (thế kỷ 7 – thế kỷ 10), đến thời kỳ Thăng Long (thế kỷ 11 – thế kỷ 18) khai quật năm 2008 – 2009 được chọn lọc trưng bày.

Các dấu tích kiến trúc, hiện vật khảo cổ học phát lộ được trưng bày thành 2 không gian chính, thời kỳ Tiền Thăng Long (tại tầng hầm 2) và thời kỳ Thăng Long (tại tầng hầm 1). Trong ảnh là một góc không gian trưng bày tại tầng hầm 1 tòa Nhà Quốc hội.

Đường đi xuyên suốt bằng kính dày, trong suốt, phía dưới mô tả công trường khai quật Hoàng thành giúp người xem có thể đi phía trên và nhìn trực diện các điểm.

Những viên ngói cong (ngói âm dương) và những phù điêu trang trí kiến trúc thời Đại La trưng bày tại khu di tích.

Đến thời Lý, thế kỷ 11 – 12, ngói úp nóc được trang trí rồng, phượng tinh xảo hơn. Hiện vật được trưng bày phía trước, màn hình phía sau cung cấp đầy đủ thông tin tới khách tham quan.

Ngói uyên ương cùng các loại vật liệu kiến trúc như phù điêu, tượng tròn và ngói lợp mái trang trí rồng phượng của thời Lý.

Toàn bộ hình thái kiến trúc cung điện thời Lý được phục dựng bằng công nghệ 3D và chiếu sáng nghệ thuật giúp nổi bật trọng tâm hiện vật.

Việc tạo dựng không gian tương tác với hệ thống công nghệ cao như màn cảm ứng tra cứu thông tin, sàn tương tác tìm kiếm hiện vật khảo cổ dưới lòng đất hay tô vẽ và ghép hình di vật khảo cổ học… cùng với thiết kế bởi ánh sáng, màu sắc, âm thanh, tạo nên nét đặc sắc riêng có của khu trưng bày.

Hệ thống tủ trưng bày di vật sắp đặt so le trong lòng di tích, xen kẽ là các media trình chiếu trên nền tối bên trong các không gian của di tích,  giúp cho người xem có thể dễ dàng hình dung về quy mô và vẻ đẹp tráng lệ của kiến trúc trong Hoàng cung Thăng Long xưa.

Khu trưng bày hiện vật được giới chuyên môn đánh giá là thành quả của sự đầu tư nghiên cứu, tìm kiếm ý tưởng, sáng tạo trong ứng dụng công nghệ và khoa học bảo tồn của Viện Nghiên cứu Kinh thành, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Hiện bảo tàng đã mở cửa để người dân đến tham quan theo đoàn bằng cách đăng ký thông qua giới thiệu của cơ quan, phường xã, tổ dân phố.

Theo VnExpress.

Đăng ký tư vấn
Gửi thông tin của bạn để được tư vấn sớm nhất
Để lại bình luận

0 Bình luận

Hãy để lại bình luận của bạn tại đây!

Thông tin bình luận

Thành công
Lỗi hệ thống, vui lòng thử lại!