Gía trị kiến trúc và nghệ thuật Đình Trùng Hạ - Ninh Bình

Đình Trùng Hạ thờ phụng nhiều vị thánh thần, trong đó nổi bật là vị thành hoàng Đông Hải Đại Vương Nguyễn Phục, một vị tướng dưới triều vua Lê Thánh Tông.
Được xây dựng trong giai đoạn phát triển đỉnh cao của nghệ thuật đình làng ở đồng bằng Bắc Bộ, đình Trùng Hạ mang nhiều giá trị đặc sắc về kiến trúc và nghệ thuật.
Điêu khắc tại đình Trùng Hạ bao gồm hầu hết các chủ đề nổi bật, thường được diễn tả ở các ngôi đình làng khu vực đồng bằng Bắc Bộ, như về thần thoại, linh thú/động vật, thực vật, đồ vật, hoa văn hình học.
Ở đình Trùng Hạ, hình ảnh long (rồng) có mặt ở khắp nơi, dưới các dạng khác nhau, khi là rồng chầu, khi leo trên cột lửng. Từ bên ngoài đình làng cho đến bên trong đình, môtip rồng được dùng để trang trí ở rất nhiều vị trí như trên nóc đình, đầu hổi, cốn, kẻ, ván nong, đầu dư, cửa võng,… Cũng ở bố cục này, rồng cùng nhiều vật linh và cây thiêng được chạm dày đặc, đem tới cảm nhận rằng: ngôi đình Trùng Hạ đã mang một phong thái riêng, khác nhiều ngôi đình cùng thời. Tuy vậy, trái với sự xuất hiện phổ biến của hình ảnh rồng, khi nghiên cứu điêu khắc tại đình Trùng Hạ, có thể thấy hầu như vắng bóng hình ảnh chim phượng và rùa.
Ngoài các linh thú phổ biến, còn có các con vật bình thường được thiêng hóa như hổ, chim, gà… thường xuất hiện trong những cảnh của điêu khắc tại đình Trùng Hạ
Di tích đình Trùng Hạ là di tích đặc sắc chứa đựng giá trị nghệ thuật và kiến trúc độc đáo. Các mảng trang trí chạm khắc tại đình Trùng Hạ là minh chứng rõ nét cho phong cách kiến trúc đình làng Việt TK XVI - XVII. Các mảng chạm khắc được thực hiện vô cùng tinh xảo, khéo léo, thậm chí là tinh xảo và tỉ mỉ hơn so với nhiều mảng chạm cùng thời kỳ. Điểm đặc biệt là các bộ vì của đình được chạm trổ cả hai mặt, trong khi ở hầu hết các công trình kiến trúc khác cùng thời kỳ, các chi tiết chỉ được chạm trên một mặt. Mặc dù đã trải qua nhiều biến động lịch sử với nhiều lần tu sửa, nhưng những mảng chạm khắc tại đình Trùng Hạ vẫn được lưu giữ khá nguyên vẹn.
Tuy nhiên, có một điều đáng tiếc là, từ cuối năm 2019 đến đầu năm 2020, các kiến trúc gỗ tại đình Trùng Hạ đã được/bị phủ những lớp sơn công nghiệp bóng bẩy (1). Theo các nhà nghiên cứu, việc sơn thếp đỏ vàng tùy tiện làm cho chúng ta không còn nhận thấy những nét đặc trưng trong nghệ thuật kiến trúc của Trùng Hạ, vốn có hòa sắc thuần hậu, chất phác, thể hiện những ý tưởng thâm sâu của người xưa. Hơn nữa, việc dùng chất liệu sơn công nghiệp mới, hòa sắc lòe loẹt, hoàn toàn không phù hợp với những ngôi đình làng cổ kính của người Việt.
Có thể thấy, mọi vấn đề về bảo tồn, trùng tu di tích đều đã được quy định trong Luật Di sản văn hóa, thế nhưng thực tế vẫn xảy ra quá nhiều vụ việc xâm phạm di tích do những nhận thức và cách làm sai lầm.
Phải khẳng định rằng, đình Trùng Hạ là một di sản văn hóa vô giá mà các thế hệ sau được kế thừa từ cha ông, do đó, vấn đề đặt ra là cần bảo tồn và phát huy những giá trị kiến trúc, nghệ thuật độc đáo của ngôi đình trong xã hội đương đại.
 
Đăng ký tư vấn
Gửi thông tin của bạn để được tư vấn sớm nhất
Để lại bình luận

0 Bình luận

Hãy để lại bình luận của bạn tại đây!

Thông tin bình luận

Thành công
Lỗi hệ thống, vui lòng thử lại!