Đình Thổ Tang Vĩnh Tường Vĩnh Phúc

TỔNG QUAN Đình Thổ Tang thời Pháp thuộc tổng Lương Điền , phủ Vĩnh Tường, Tỉnh vĩnh yên; hiện thuộc thôn Thổ Tang, thị trấn Thổ Tang, Huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Đình còn có tên gọi khác là đình Địa Tang/Giang/Quang (tên Nôm của thôn), đình Chính (để phân biệt với một ngôi đình nữa của làng là đình Có/đình Phụ). Hậu cung đình làng Thổ Tang có đặt 3 bài vị: Thành hoàng làng là Lân Hổ (một vị tướng dưới thời Trần )có công giúp vua đánh giặc Nguyên, thân mẫu Thành hoàng và Thần Nuôi Ná. Lễ hội chính của làng Thổ tang tổ chức từ ngày 10 đến 12 tháng Giêng âm lịch. Trong lễ hội diễn ra các nghi lễ rước sắc, nghinh hương từ đền Trúc Lâm và miếu Nhà Nuôi về, ngoài ra còn có lễ Nghinh Quan Anh, thi Ông Đô và các trò chơi, diễn xướng dân gian khác. Đình làng Thổ Tang là ngôi đình sớm nhất của tỉnh Vĩnh Phúc được xếp hạng là di tích cấp Quốc gia theo Quyết định số 29 – VH/QĐ ngày 13/01/1964 của Bộ văn hóa.

Mặt Đứng Hướng Tây Đại Đình (2015)
Mặt Đứng Hướng Tây Đại Đình (2015)

KIẾN TRÚC Đình làng Thổ Tang nằm trên một bãi đất rộng, quay hướng Tây, nhìn ra sông Phan (một nhánh của sông Cà Lồ), nay đã mất do bị chuyển dòng. Nghi môn mới xây kiểu “tứ trụ” dẫn vào sân đình từ phía bên phải. Cụm công trình chính có bố cục kiểu “chữ đinh”, gồm Đại bái và Hậu cung. Đại bái có niên đại cổ nhất và tập trung các giá trị của nghệ thuật chạm khắc. Đại bái có kích thước 25,5 x 14,87m, gồm 3 Gian, hai Chái, dáng dấp bề thế, xung quanh thềm bó vỉa bằng đá xanh. Gian Giữa rộng khoảng 4,5m, các Gian Bên rộng khoảng 4,2m, Chái rộng khoảng 3,65m.

Kết Cấu Khung Gỗ Phần Chái Đại Đình (2015)
Kết Cấu Khung Gỗ Phần Chái Đại Đình (2015)

 

Mặt Bằng Nền Đại Đình (1999)
Mặt Bằng Nền Đại Đình (1999)

Khung kết cấu Đại bái dựng trên sáu hàng chân cột , Vì Nóc làm theo kiểu Giá Chiêng – Chồng rường, trên cùng là Rường Bụng lợn với hai bên thân phình rộng, cong lưng đỡ Thượng lương, đầu Rường kê lên hai đầu Trụ Trốn. Hình thức các Rường kiểu này mang đặc trưng của kiến trúc truyền thống vùng xứ Đoài xưa. Các cấu kiện Vì Nóc được làm khá mập. Trên đỉnh trụ Trốn của vì Nóc có lắp cấu kiện chạm Rồng đỡ Hoành theo chiều dọc mái. Các Vì Nách liên kết giữa cột Cái và cột Quân các Gian của Đại bái làm kiểu Cồn Chồng rường với các rường chồng khít lên nhau tạo nên một diện trang trí lớn. Liên kết giữa cột Quân và cột Hiên dùng Kẻ. Liên kết các hàng cột có hệ thống xà đơn. Đặc biệt, ở Vì lửng của Chái có xà liên kết chân các cột Trốn theo chiều ngang, khoảng không gian giữa Câu đầu và xà này có nong ván Gió trang trí. Cách thức này tương tự như kiến trúc Đại đình đình làng Hùng Lô (Phú thọ), nhưng ít gặp trong kiến trúc cổ truyền Việt. Đại bái được bao che bằng hệ thống Ván Bưng ở phía dưới, trên là các chấn song con tiện để lấy ánh sáng và thông thoáng cho nội thất. Hệ mái Đại bái khá thấp và xòe rộng, gồm bốn mái với các đầu Đao “déo” cong.

Liên Kết Dùng Kẻ ở Hiên Và Giữa Cột Quân Với Cột Hiên Trước Bên Phải Gian Giữa (2015)
Liên Kết Dùng Kẻ ở Hiên Và Giữa Cột Quân Với Cột Hiên Trước Bên Phải Gian Giữa (2015)

ĐIÊU KHẮC – TRANG TRÍ Vì Nách Chạm Rồng (2015)

Vì Nách Chạm Rồng (2015)
Hai Vì Nách Chạm Rồng (2015)

Đại bái đình làng Thổ Tang được chạm khắc trang trí khá dày đặc, tập trung ở các ván Gió, Vì Nách, Kẻ, đầu Dư…Nghệ thuật chạm khắc trang trí ở đây mang đậm tính dân gian với các kỹ thuật chạm nổi, chạm kênh bong, chạm thủng… Hình tượng rồng là đề tài trang trí có mặt trên hầu khắp các vị trí: ván Gió, Vì Nách, đầu Dư, Kẻ. Hình Rồng trang trí trên các con Rường của vì Nách , ván Gió mang đặc trưng khá rõ nét nghệ thuật chạm khắc của xứ Đoài xưa với mặt lớn, tai thú to, mắt tròn lồi, miệng loe rộng, môi cong để lộ hàng răng kiểu răng người. Trên ván Gió thuộc Gian Giữa có chạm “Rồng ổ” rất sinh động với hai Rồng lớn cùng các Rồng con. Rồng lớn có mặt quay nhìn chính diện, mặt lớn,thân ẩn dưới các Vân xoắn và Đao lá. Ván gió nong phía dưới câu đầu của vì lửng cũng có hình thức trang trí tương tự. Trên các Vì Nách, Rồng thường được chạm ở trung tâm với một Rồng lớn cùng nhiều Rồng con, kết hợp với nhiều đề tài : người và các con vật khác…Rồng còn được chạm nhiều trên đầu Dư và Nghé Kẻ với hình thức tương tự trên Vì Nách, ván Gió.  

Ván Gió Chạm Rồng, Tiên Cưỡi Rồng (2015)
Ván Gió Chạm Rồng, Tiên Cưỡi Rồng (2015)

 

Mảng Chạm
Mảng Chạm “Đá cầu” 2015

Hình tượng con người được thể hiện dưới hai dạng: tiên nữ và người thường. Tiên nữ được chạm trên Cốn Nách và ván Gió, kết hợp với Rồng, Phượng. Tiên nữ thường được thể hiện nhìn chính diện, đầu đội vương miện hoặc vấn tóc cao, mặc váy có yếm ở trong , tay dang rộng như đang múa, khuôn mục phúc hậu, hoa tai dài. Đề tài người thường với các sinh hoạt hàng ngày được thể hiện sinh động, phong phú, từ thường dân cho đến tầng lớp quan lại, với các đề tài : “Uống rượu”, “Chơi cờ”, “Đánh ghen”, “Bơi thuyền”, “Đi cày”, “Đấu vật”, “Cưỡi ngựa”, “Trai gái tình tự”… Hình tượng con ngưởi đây có mặt nhiều nhất trên thân các Kẻ, Cốn Nách, chủ yếu dùng kỹ thuật chạm nổi với các khối lớn, khuôn mặt đầy đặn, phúc hậu, ít chú ý đến tỷ lệ của cơ thể.

Mảng Chạm Tiên Cưỡi Rồng (2015)
Mảng Chạm Tiên Cưỡi Rồng (2015)

Trong các mảng chạm trên kiến trúc đình làng Thổ Tang còn có các trang trí khác như: hoa lá, rắn, thạch sùng, hổ , trâu, cá,…Đặc biệt trên cùng của Cồn Nách thuộc chái bên phải phía sau chạm một con cá lớn, thân mập, chắc khỏe, đuôi cá cong lên đỡ con Rường phía trên, đầu đỡ con Rường phía dưới. Cách thể hiện này hiếm gặp trong trang trí kiến trúc truyền thống. Đầu Dư Chạm Rồng (2015)Đầu Dư Chạm Rồng (2015) NIÊN ĐẠI – ĐÁNH GIÁ

Kẻ Bên Trái Gian Giữa chạm Nhiều Hoạt Cảnh Dân Gian (2015)
Kẻ Bên Trái Gian Giữa chạm Nhiều Hoạt Cảnh Dân Gian (2015)

Đình Thổ Tang hiện không có niên đại cụ thể ghi trên kiến trúc. Người dân địa phương cho biết, trước kia ở đình có dòng chữ ghi niên đại khởi dựng từ thời Cảnh Trị, nhưng hiện nay không còn. Căn cứ vào nghệ thuật chạm khắc trên kiến trúc, có thể xếp đình thuộc phong cách nghệ thuật cuối thế kỷ 17.

Đình Thổ Tang là một ngôi đình đẹp, bề thế và nổi tiếng trong vùng. Trang trí ở đây đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật chạm khắc đình làng thế kỷ 17, với sự kết hợp tài tình của các kỹ thuật chạm kênh bong, chạm thủng, chạm nổi,..Các hình tượng nghệ thuật được thể hiện đa dạng, phong phú, mang đậm chất dân gian, đặc biệt là hình tượng con người. Đây là ngôi đình mang sắc thái đặc trưng của nghệ thuật kiến trúc vùng xứ Đoài xưa.

Trong quá trình tồn tại, ngôi đình đã được nhiều lần tu bổ. Người dân địa phương cho biết trước kia trên Câu đầu của Hậu cung có dòng chữ (Lê triều Vĩnh Thịnh nhị niên trùng tu – 1706 ), nhưng đến năm 1967 đã bị mất khi cắt phần Hậu cung để lấy vật liệu tu bổ Đại bái. Sang thời Nguyễn, đình cũng đã được tu sửa nhỏ vài lần, nhưng rất may vẫn còn giữ được nhiều thành phần kiến trúc và chạm khắc của thế kỷ 17.

Cuối những năm 90 của thế kỷ 20, đình đã được tu bổ lớn, thay thế một số mảng chạm trên Đầu Dư, Kẻ Hiên, ván Gió của Gian Giữa, làm hệ thống bao che bằng ván gỗ xung quanh Đại bái.

Hiện trạng kỹ thuật của đình tương đối tốt.

       

Sen Việt decor – nhận thi công những công trình trên toàn quốc !

Đăng ký tư vấn
Gửi thông tin của bạn để được tư vấn sớm nhất
Để lại bình luận

0 Bình luận

Hãy để lại bình luận của bạn tại đây!

Thông tin bình luận

Thành công
Lỗi hệ thống, vui lòng thử lại!